Pages

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Mày đay chứng dị ứng khó trị

Các thức ăn hay gây mày đay là lạc, trứng, cà chua, cá, chocolate, bơ sữa, gia vị, một số loại men rượu, bia và hoa quả tươi như cam, quýt. Nhiều khi chính gia vị và chất bảo quản chính là thủ phạm gây dị ứng chứ không phải bản thân thức ăn.


Mày đay do thức ăn thường xuất hiện vài phút hoặc vài giờ sau khi ăn, phụ thuộc vào tốc độ và tỷ lệ hấp thu.may-day-chung-di-ung-kho-tri


Mày đay được hình thành do giãn các mạch máu nhỏ trên da, giải phóng các hóa chất trung gian của cơ thể, thường gặp nhất là histamin. Histamin được giải phóng từ tế bào Mast khi có kích thích.


Tổn thương chủ yếu của bệnh là các sẩn phù hoặc ban đỏ ngứa trên da, ranh giới rõ, kích thước đa dạng từ vài mm đến vài cm. Chúng tồn tại vài giờ, sau đó nhạt màu dần và biến mất một cách ngẫu nhiên hoặc do điều trị.


Mày đay có thể xuất hiện riêng rẽ hoặc đi kèm với phù Quincke (là tổn thương xuất hiện ở các tổ chức lỏng lẻo hoặc niêm mạc, bán niêm mạc, gây sưng phồng, chẳng hạn phù Quincke ở mắt có thể làm cho mi mắt sưng to không mở ra được).


Có rất nhiều nguyên nhân gây vỡ hạt tế bào Mast để giải phóng histamin; hay gặp nhất là thuốc, thức ăn và nhiễm virus… Trong một số trường hợp, rất khó xác định nguyên nhân gây bệnh. Bất cứ thuốc nào cũng có thể gây dị ứng, tuy nhiên loại hay gặp nhất là các thuốc giảm đau chống viêm, kháng sinh, tia xạ… Một số bệnh nhân còn mắc mày đay do các yếu tố vật lý như ánh nắng mặt trời, lạnh, áp lực, thậm chí có thể do mồ hôi.


Khi biểu hiện mày đay kéo dài trên 6 tuần thì được gọi là mày đay mạn tính. Không dễ xác định nguyên nhân ở các trường hợp này. Bởi vì mày đay mạn tính cũng có thể do các yếu tố vật lý, hoặc do thức ăn, một số khác lại do nguyên nhân nhiễm trùng. Yếu tố cảm xúc cũng có thể là một nguyên nhân ở một số ít bệnh nhân.


Về mặt điều trị, quan trọng nhất là nhận biết nguyên nhân gây bệnh và tránh tối đa tiếp xúc với các nguyên nhân đó. Những bệnh nhân dị ứng với thức ăn nên loại bỏ các thực phẩm chứa thành phần gây dị ứng. Khi bệnh đang trong đợt cấp, nên sử dụng thuốc kháng histamin H1 để giảm ngứa cho bệnh nhân.


Ưu tiên sử dụng kháng histamin thế hệ mới, trừ phi bệnh nhân mất ngủ do ngứa nhiều về đêm. Để ngăn ngừa bệnh tái phát, có bệnh nhân phải sử dụng thường xuyên thuốc kháng histamin. Một số thuốc khác cũng được sử dụng như corticosteroid, kháng histamin H2, doxepin, kháng leukotrien… Các loại kem kháng histamin sử dụng tại chỗ trên da không có hiệu quả trong các trường hợp này.


Xét nghiệm da thường là không thu được nhiều kết quả tốt trong chứng mày đay. Một số bệnh nhân nên xét nghiệm máu và nước tiểu để loại bỏ nguyên nhân nhiễm trùng gây mày đay mạn tính. Nếu nghi ngờ bị mày đay mạn tính, tốt nhất bạn nên đến khám và tư vấn các bác sĩ chuyên khoa dị ứng để có phương pháp điều trị hiệu quả nhất.


BS Hoàng Thị Lâm



Mày đay chứng dị ứng khó trị

0 nhận xét:

Đăng nhận xét