Pages

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Coi chừng không đúng thuốc trị ngứa

Xin hỏi có thể dùng thuốc ivermectin để trị bệnh ngứa hay không?


ivermectin


Trước hết, ta cần biết ngứa là một triệu chứng gây khó chịu khi cơ thể bị rối loạn, thậm chí bị bệnh, khi tiếp xúc với một tác nhân nào đó và tác nhân này bắt cơ thể phải có phản ứng tự vệ. Tác nhân có thể bắt nguồn từ bên ngoài (được gọi là nguyên nhân ngoại sinh) tiếp xúc hoặc xâm nhập vào cơ thể như côn trùng (muỗi), ký sinh trùng (chấy, rận, con cái ghẻ, các loại giun sán,…), vi nấm (nấm da, nấm tóc, lang ben,…), các loại hóa chất (xà phòng, dầu gội đầu, kem dưỡng da,…), yếu tố môi trường (phấn hoa, thời tiết như có người trời trở lạnh là bị ngứa), thực phẩm, dược phẩm…


Tác nhân có thể xuất phát từ bên trong cơ thể (gọi là nguyên nhân nội sinh), như bị bệnh gan (tăng sắc tố mật gây vàng da và gây ngứa), bệnh ở da (như chàm, vảy nến…), bệnh tiểu đường… Cơ chế gây ra ngứa là khi có sự tác động, kích thích của 2 loại tác nhân vừa kể, cơ thể sẽ sản sinh rất nhiều histamin. Histamin gắn vào các tế bào ở da, vào đầu tận cùng của các dây thần kinh gây ngứa, có khi là ngứa dữ dội, càng gãi càng ngứa. Vì vậy, để chữa triệu chứng ngứa thông thường người ta dùng thuốc kháng histamin (gọi đầy đủ là thuốc kháng histamin ở thụ thể H1) để vô hiệu hóa histamin sinh ra quá nhiều gây ngứa.


Các thuốc kháng histamin thường dùng là promethazin, alimemazin, clopheniramin, diphenhydramin, loratadin,… Nhưng dùng thuốc kháng histamin chỉ chữa được phần ngọn, khi thuốc hết tác dụng sẽ bị ngứa trở lại. Bởi vậy, như đã kể, ngứa chỉ là triệu chứng của rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.


Muốn chữa phần gốc, tức là để trị dứt ngứa hoàn toàn, phải tìm được nguyên nhân nội sinh hoặc ngoại sinh gây ngứa đã kể ở trên và loại trừ. Thí dụ như khi bị nhiễm giun như giun chỉ, giun móc, giun lươn thể hiện gây ngứa ngoài da, chỉ khi nào tiệt trừ hết giun thì mới hết ngứa.


Thuốc ivermectin thực chất không dùng để trị ngứa mà là thuốc trị giun chỉ (giun chỉ có tên khoa học là Onchocerca volvulus). Thuốc dùng dạng viên uống, chỉ dùng khi được chẩn đoán mắc giun chỉ (thuốc không dùng để phòng bệnh hoặc trị các loại giun thông thường là giun đũa, giun kim). Như vậy, nếu ivermectin dùng trị ngứa hiệu quả mà bạn nêu trong thư là do người dùng thuốc thực sự mắc bệnh giun chỉ gây nên ngứa và nhờ thuốc diệt hết giun chỉ mà hết ngứa.


Trường hợp của bạn rất cần đi khám ở một cơ sở y tế (đặc biệt là chuyên khoa da liễu) để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra chứng ngứa dai dẳng, khi nguyên nhân ngứa được xác định, bác sĩ sẽ chỉ định đúng thuốc để trị hết ngứa.


Nếu tự ý dùng thuốc theo lời mách bảo của người không thuộc giới chuyên môn, ngứa không trị dứt mà có khi gặp phải phản ứng có hại của thuốc. Ivermectin là thuốc có thể gây tác dụng phụ như gây phù, ói mửa, tiêu chảy, hạ huyết áp tư thế đứng, hại mắt, làm tăng men gan… Uống không đúng thuốc, ngứa không hết mà có khi mang họa do tác dụng phụ.


PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức



Coi chừng không đúng thuốc trị ngứa

0 nhận xét:

Đăng nhận xét